18/04/2025 11:06:00 SA
213: view
BTYB - Sông Hồng là con sông giữ vị trí vô cùng quan trọng của cả vùng Miền Bắc Việt Nam. Ngoài dòng chảy chính, sông Hồng còn có nhiều chi lưu làm nên một châu thổ trù phú: đồng bằng châu thổ sông Hồng. Sông Hồng bắt nguồn từ dãy núi Ai Lao (Ai Lão sơn) thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam dài 510km, chảy qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định và Thái Bình rồi đổ ra biển với tổng chiều dài là 1.149km.
Hàng nghìn di vật và di tích được phát hiện, nhiều loại hình hiện vật rất quý hiếm, đỉnh cao là bộ sưu tập thạp đồng, trong đó có 2 chiếc thạp là bảo vật quốc gia, đó là thạp đồng Đào Thịnh và thạp đồng Hợp Minh, cùng hàng nghìn di vật thể hiện đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, chiến tranh và hưởng thụ văn hóa, tâm linh… được phát hiện dọc theo sông Hồng.
Dòng sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái dài 120km, điểm đầu là xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, sông chảy qua 26 xã, phường, thị trấn của huyện Văn Yên, huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái, điểm cuối là tại ghềnh Hạc, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên. Đoạn sông chảy qua tỉnh Yên Bái uốn lượn qua nhiều đồi núi thoai thoải như một dải lụa mềm.
Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng, sông Hồng có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tên gọi sông Thao có thời gian được dùng lâu nhất, ngoài ra sông còn có tên Triệu Thủy (ghi chép trên bia đá Bách Lẫm) và ngày nay, cái tên sông Hồng được gọi chính thức ở tỉnh Yên Bái sau khi Pháp xâm lược và bình định nước ta đầu thế kỷ XX.
Sông Hồng mang lại nhiều lợi thế để con người phát triển, đây là con sông lớn, tạo ra nguồn nước, phù sa, thủy sản và giao thông… đó là tất cả những điều kiện thuận lợi để con người sinh sống, hình thành và phát triển lên vùng đất Yên Bái từ thời kỳ đồ đá cho tới ngày nay.
Với 120km chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái, sông Hồng đã tạo nên một vùng đất phù sa màu mỡ ở 2 bên tả ngạn, hình thành nhiều trung tâm nông nghiệp để con người định cư.
Con người hình thành và phát triển ở khu vực sông Hồng bởi dòng sông mang lại cho con người nguồn nước, phù sa để trồng trọt, thủy sản và cũng chính là đường giao thông chính để di chuyển, giao thương. Việc cư trú tại đây lâu dài đã hình thành nên một nền văn hóa phong phú và đa dạng mà chúng ta hay còn gọi là “văn minh Sông Hồng”.
Có thể nói, mọi sự hình thành và phát triển vùng đất, con người, lịch sử, văn hóa của một vùng rộng lớn Yên Bái đều có dấu ấn của sông Hồng. Con người Yên Bái được hình thành từ thời đồ đá, đó là văn hóa Sơn Vi (giai đoạn Hậu kỳ Đá cũ cách ngày nay trên 30.000 năm). Trải qua các giai đoạn văn hóa Hòa Bình (Sơ kỳ Đá mới) cách ngày nay khoảng 12.000 năm, văn hóa Đá mới (Khoảng 4000 năm), văn hóa Đông Sơn (Thời kỳ Hùng Vương, khoảng trên 2.000 năm); Thời kỳ Phong kiến cho đến ngày nay. Có hàng trăm dấu tích, hàng nghìn di vật được các nhà khảo cổ học của trung ương, của tỉnh phát hiện dọc sông Hồng.
Trong những buổi đầu sơ khai lịch sử Yên Bái, đó là Thời kỳ Tiền sử (thời đại đồ đá) con người đã định cư ở dọc 2 bờ sông Hồng. Có hàng trăm địa điểm có dấu tích, di tích thuộc văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình, niên đại cách ngày nay từ khoảng 30.000 đến 12.000 năm. Trong đó, di tích Bến Mậu A đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu về con người nguyên thủy ở Yên Bái, tại đây các nhà khảo cổ học phát hiện ra hàng nghìn công cụ làm bằng đá cuội (Quart và Quartzite) mang đặc trưng của văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình. Di tích được xác định niên đại khoảng ± 12.100 năm cách ngày nay (do ĐH Washington, Hoa Kỳ phân tích). Cho tới nay, đây là di chỉ kỹ nghệ Hòa Bình ngoài trời có niên đại sớm nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á lục địa.
Trên nền tảng địa bàn cư trú truyền thống từ thời đại đá, tới thời kỳ sơ sử (Thời đại Kim khí) cách ngày nay khoảng từ 4000 năm đến 2000 năm. Con người vẫn sống tập trung dọc theo sông Hồng thành các bộ lạc, đời sống từ săn bắt, hái lượm đã dần chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt cá. Con người đã biết đến kim loại và thuật luyện kim và sản xuất đồ gốm thô sơ với các kỹ thuật chế tác cùng ý tưởng hoa văn trang trí cho nhiều loại hình công cụ phục vụ cho đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và tâm linh. Do vậy có hàng nghìn di vật và di tích được phát hiện, nhiều loại hình hiện vật rất quý hiếm, đỉnh cao là bộ sưu tập thạp đồng, trong đó có 2 chiếc thạp là bảo vật quốc gia, đó là thạp đồng Đào Thịnh và thạp đồng Hợp Minh, cùng hàng nghìn di vật thể hiện đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, chiến tranh và hưởng thụ văn hóa, tâm linh… của người dân thời bấy giờ.
Trong thời kỳ phong kiến, sông Hồng vẫn là địa bàn sinh sống chính của con người, sông Hồng là con đường chính không những của người dân Yên Bái xưa đi lại mà còn là con đường huyết mạch để các địa phương miền xuôi đi lại và giao thương với phương Bắc và ngược lại. Cũng chính vì là con đường chính nên thời kỳ này đã chứng kiến nhiều lần giặc phương Bắc kéo xuống xâm chiếm nước ta, nổi bật nhất là các lần chiến đấu chống quân xâm lược phương Bắc của quân và dân Yên Bái như: chặn đánh quân Nguyên Mông của Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương thế kỷ 13. Các trận chiến của Nguyễn Quang Bích trong phong trào Cần Vương đánh giặc Pháp cuối thế kỷ 19…. bởi vậy dọc hai bờ sông Hồng có nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền và chùa. Dù là phế tích hay tu bổ, phục dựng cũng cho thấy các di sản về văn hóa, lịch sử đã và đang tồn tại và được tỉnh quan tâm để bảo tồn và phát huy các giá trị những di sản đó. Nếu như Lào Cai nổi tiếng với đền ông Hoàng Bảy thì Yên Bái có đền Nhược Sơn, đền Đông Cuông, đền Bách Lẫm, đền Tuần Quán…, đây đều là những ngôi đền đẹp, lâu đời và chứa nhiều sự tích.
Đến nay, sông Hồng vẫn là một thực thể vô cùng quan trọng đối với đất nước ta nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng. Sông Hồng đã và đang tạo ra các đô thị sầm uất ngày nay như: Mậu A, Cổ Phúc, thành phố Yên Bái và nhiều vùng cư dân sinh sống dọc 2 bên sông. Nhiều nét văn hóa của các thời kỳ trước vẫn còn được lưu giữ trong nhân dân vùng sông Hồng cho tới ngày nay./.
Nguyễn Tiến Hòa - Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng