Phát hiện thêm một dấu tích chùa cổ ở Yên Bái

04/08/2020 3:51:00 CH

1592: view

     Trong đợt điều tra khảo sát đầu tháng 9 năm 2016 tại thôn Đồng Đình, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã phát hiện ra một dấu tích cổ được xác định là kiến trúc chùa có niên đại hàng trăm năm.

          Lãnh đạo huyện Yên Bình, Bảo tàng tỉnh và xã Văn Lãng tham quan công trường đào thám sát di tích chùa Văn Lãng

     Di tích nằm ở trên một đồi đất, bên tả ngạn sông Hồng, được bao bọc xung quanh bởi các dòng chảy cổ, đây là nơi hợp lưu của hai dòng suối lớn là suối Văn Lãng và ngòi Đài chảy vào Ngòi Sen và từ đây đổ ra sông Hồng.

    Trước đó, vào năm 2013 Bảo tàng tỉnh Yên Bái chủ trì và phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã khảo sát và phát hiện ra được dấu tích này qua các hiện vật đất nung trên bề mặt khu đồi “Gò Chùa”. Đợt thám sát lần này các nhà khảo cổ học phát hiện thêm những bằng chứng của một kiến trúc chùa được xây dựng từ thời nhà Trần, thế kỷ XIV.

     Hiện vật “bệ thờ” được phát hiện tại vị trí giữa nền chùa

     Cụ thể, sau khi đào thám sát tại mặt bằng di tích đã phát lộ ra dấu tích của một nền móng đá gần hình vuông có diện tích khoảng 20 m2, được gia cố bằng ngói vụn dưới chân móng.

     Các hiện vật tìm được khá nhiều gồm: Bệ sen, trang trí bệ thờ, đinh sắt, gốm, gạch, ngói, mảnh tháp và đồ sành ở trên bề mặt và các lớp trong hố thám sát.

    Sau khi phân loại, các hiện vật này có niên đại và kiểu cách khác nhau. Trên bề mặt là các hiện vật bệ sen, bệ thờ, mảnh tháp tương ứng với thời Trần. Lớp 1 (dưới bề mặt) có số ít mảnh gốm thời Nguyễn. Lớp 2 và 3 có gạch ngói, móng đá và đồ gốm sứ tương ứng với thời Lê, thế kỷ XV.

     Mảnh bệ sen phát hiện tại di tích - một biểu tượng đặc trưng của Phật giáo thời Trần

     Từ những hiện vật cũng như kiến trúc đã thu thập được đã cơ bản có thể hình dung về niên đại và kiến trúc của ngôi chùa này. Ngôi chùa có thể được khởi dựng vào thời Trần. Sang giai đoạn Lê Trung Hưng có lẽ ngôi chùa đã được xây dựng lại và có sử dụng lại vật liệu thời Trần (hoặc trùng tu sửa chữa khá lớn), tới thời Nguyễn có lẽ chùa cũng được dựng lại nhưng có quy mô nhỏ bé, xây dựng với vật liệu đơn giản và thời gian tồn tại không lâu.

     Việc phát hiện thêm di tích Phật giáo thời Trần tại xã Văn Lãng, huyện Yên Bình (sau các di tích Hắc Y - Lục Yên, Pú Tre - Văn Chấn…) cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và lan tỏa của phật giáo ở vùng biên viễn - cương vực phía Bắc của quốc gia Đại Việt thời Trần.

     Di tích chùa Văn Lãng có vị trí, cảnh quan tự nhiên đẹp, sơn thủy hữu tình, việc trùng tu tôn tạo di tích trong tương lai phù hợp với chủ trương của Nhà nước về bảo tồn và phát huy những giá trị di sản, văn hóa, mặt khác còn đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân địa phương về một công trình văn hóa - tâm linh, một điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, kết nối cộng đồng, đồng thời gợi mở tiềm năng du lịch mà ai tới di tích này cũng có thể nhận ra tiềm năng ấy.

Hoàng Long - Tiến Hòa - Trung Hiếu