Đàn môi, nhạc cụ tâm tình của người Mông

10/07/2021 10:21:00 SA

2233: view

          Với dân tộc Mông, các chàng trai có rất nhiều cách để thể hiện tình cảm như: khèn, khèn lá nhưng muốn tâm sự dài lâu, cởi hết lòng mình, họ lại dùng đàn môi. Đàn môi là một loại nhạc cụ khá độc đáo, nó được chế tác từ một thanh tre nhỏ và miếng đồng nhỏ mỏng, trong có cắt hai lưỡi gà và hai cánh khi sử dụng người ta đưa lên môi thổi nhẹ, vòm miệng sẽ cộng hưởng tới lưỡi gà và dùng ngón tay cái gảy. Tùy theo hơi dài ngắn và cách điều khiển của ngón tay mà âm thanh đàn môi sẽ trầm bổng, rì rầm, thủ thỉ theo điệu nhạc dân ca giữa khung cảnh núi rừng bao la đầy huyền bí. Người Mông thường dùng đàn môi để thổ lộ tâm tình, tâm tư tình cảm, làm cầu nối trong những buồi đầu gặp gỡ. Đàn môi được sử dụng mọi lúc, mọi nơi như đi chợ, lên nương, lên rẫy và các dịp tết. Ngày thường, các cô gái Mông sống rất có nề nếp. Mỗi khi màn đêm buông xuống, em Gầu Mông ít ra khỏi nhà, các chàng trai thường đến đầu hồi nhà người con gái mình thích, lấy đàn môi để tỏ tình:

Ơi em, anh sợ nhà em lắm rào

Ơi em, anh lo nhà em nhiều cửa

Có thương anh, kéo rào mở cửa anh vào.

Bằng giai điệu và âm sắc của chiếc đàn môi như vậy nếu cô gái ưng ý, thuận, họ sẽ dùng đàn môi để thể hiện tiếng nói riêng của mình đủ cho bạn tình biết:

Ơi anh, nhà em không có rào

Ơi anh, nhà em cửa không cao

Anh yêu, anh cứ vào, cứ vào...

Tết của người Mông thật tưng bừng như "Gầu tào", "Sải sán"  những chàng trai Mông da sạm nắng, mạnh khỏe trong bộ quần áo chàm đen dập dìu bên những thiếu nữ váy áo sặc sỡ, cổ đeo vòng bạc trắng lấp lóa, nói cười ríu rít và dưới những gốc đào đỏ thắm, người con gái e ấp ngồi, váy hoa xòe rộng và điệu "Khâu xìa P.lềnh" (tình ca) vút lên:

Trong lòng anh, em là bông hoa đẹp nhất

Là tiếng chim hót buổi sớm mai

Là ngôi sao đầu núiAnh mê mẩn trong lòng.

Bằng gia điệu và âm sắc của chiếc đàn môi, cô gái thổ lộ tiếng lòng mình với bạn tình:

Anh ơi! Em chẳng chê anh nghèo

Em yêu anh vì anh là chàng trai khỏe mạnh

Ta sẽ cưới nhau...

Đáp lại người con trai dùng tiếng đàn môi thể hiện nỗi khát khao muốn được tâm tình cùng bạn gái:

Ơi, sao em đẹp thế?

Gốc đào sao khép nở hoa

Người đâu lung linh ánh bạc

Qua tiếng đàn môi chàng trai, cô gái gửi gắm tình yêu một cách ý nhị mà sâu sắc, nồng nàn, mãnh liệt, say sưa giữa khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên tươi đẹp. Rồi những đôi tình nhân tan biến vào trong núi, chỉ còn tiếng đàn môi nhẹ như hơi thở mùa xuân giữa núi rừng chứa chan hạnh phúc:

Kìa mưa về hoa dưa nở tươi

Kìa nắng đến hoa buồn khô

Yêu chàng, em yêu lắm

Ra về, thương nhớ mãi anh chàng ơi!

Những ngày vui xuân, ngày tết các đôi trai gái tìm hiểu nhau qua tiếng khèn, đàn môi mà bao người đã nên vợ nên chồng. Đàn môi gọn nhẹ, dễ làm, dễ sử dụng, cho nên ngày nay vẫn được trai, gái Mông yêu thích. Khi tiếng đàn môi cất lên, làm cho con gái quên đi bao nỗi vất vả lo toan thường ngày để cảm thụ trong hạnh phúc nồng nàn mang đậm bản sắc dân tộc núi rừng Tây Bắc.

  Đàn môi được Bảo tàng Yên Bái trưng bày tại chủ đề 2: Cộng đồng các dân tộc.

    

Hứa Xuân Thắng, Phó Giám đốc Bảo tàng