Yên Bái lan tỏa phong trào hiến tặng hiện vật

01/01/2025 3:43:00 CH

138: view

BTYB - Hiến tặng, trao đi là để nhận về nhiều hơn những giá trị nhân văn trong cuộc sống, đồng thời để hiện vật được giữ gìn bền lâu, có điều kiện phát huy hiệu quả các giá trị lớn về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Đó là nỗi niềm chung của những tổ chức, cá nhân trao tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trao cho Bảo tàng tỉnh Yên Bái rất nhiều hiện vật thuộc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Lễ tiếp nhận hiện vật năm 2024 do Bảo tàng tổ chức ngày 21/11/2024, niềm vui và sự tự hào hiện rõ trên gương mặt ông Nguyễn Văn Lịch, tổ 10, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái khi giới thiệu xuất xứ cũng như quá trình dày công sưu tầm chúng từ bà con ở đường 9. Đó là bộ điện đàm do Liên Xô sản xuất trang bị cho quân đội nhân dân Việt Nam ghi rõ tên phiên hiệu của các đơn vị tham gia chiến đấu; là chiếc bộ đàm của Nga trang bị cho hữu tuyến; là chiếc máy chữ cổ còn màu sơn nguyên bản do Mỹ sản xuất; là chiếc bút có đèn giành cho thám báo trong đêm tối hoặc cho sỹ quan thuyết trình chỉ bản đồ ông sưu tầm từ năm 2002 đến giờ vẫn sáng; là chiếc ống nhòm của Đức và một thiết bị nghe nhìn của Nhật sử dụng pin có ti vi, catset, radio trang bị cho chiến sỹ có thể đi dã chiến lưu động.

Ông Lịch chia sẻ: “Trước kia tôi từng phải về tận quê chụp ảnh một ngôi nhà để lên chỉ cho những cô con gái đâu là cái đui, cái mè, cái hoành, bậu cửa, đâu là cột cái, cột quân. Từ đó tôi có ý thức muốn sưu tầm lại các đồ vật xưa cũ theo ý thích của cá nhân. Tôi hứa các phiên sau sẽ thống nhất với gia đình trao tặng tiếp các hiện vật mới để Bảo tàng lưu giữ, bảo quản cho các thế hệ mai sau được chiêm ngưỡng, hiểu về truyền thống của cha ông. Tôi kêu gọi các công dân khác trong và ngoài tỉnh Yên Bái hãy chung tay xây dựng một Bảo tàng tỉnh có chiều sâu các tầng văn hoá, không gian trưng bày tốt, phong phú các hiện vật trong đó có công sức của những người hiến tặng vì sự bảo tồn, gìn giữ lịch sử, văn hoá Việt Nam”.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, công dân phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái là một người trẻ đam mê đồ cổ. Qua 10 năm gắn bó với đam mê này, kho đồ cổ anh sưu tập được như một viện bảo tàng thu nhỏ với hàng trăm món đồ cổ đủ các loại từ đồng hồ treo tường, ti vi, máy ảnh, tiền cổ, xe máy cổ, thạp gốm… có tuổi đời hàng trăm năm. Có những cổ vật trong bộ sưu tập của anh được cộng đồng yêu đồ cổ đánh giá cao. Trao cho Bảo tàng Yên Bái thạp gốm từ thế kỷ 14 - 15, anh thật thà tâm sự: “Mỗi một món đồ cổ đem lại cho tôi một câu chuyện về một giai đoạn lịch sử, thể hiện nét văn hoá riêng biệt. Với người khác món đồ đó có thể không giá trị, nhưng với tôi lại là vô giá. Qua sưu tầm đồ cổ và hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng càng khiến tôi thấy được ý nghĩa của công việc mình đang làm. Thú chơi đồ cổ đòi hỏi người sưu tầm luôn phải tìm hiểu, khám phá, học hỏi. Lịch sử, văn hoá xưa là một kho kiến thức mênh mông vô tận, tôi muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình để gìn giữ các giá trị lịch sử, kết nối sợi dây văn hoá giữa quá khứ và hiện tại, giúp người đương thời có thể hiểu được những tinh hoa văn hoá của cha ông để lại”.

Chị Triệu Thị Mến thường xuyên đưa gia đình đến tham quan Bảo tàng mỗi dịp rảnh rỗi để răn dạy con cháu nhớ và tự hào về nguồn cội.

Chia sẻ niềm vui khi được hiến tặng bộ trang phục dân tộc Dao cho Bảo tàng Yên Bái, chị Triệu Thị Mến - Cán bộ Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh nở nụ cười tươi bộc bạch: “Tôi thường xuyên đưa bạn bè, khách đến Bảo tàng Yên Bái tham quan khi Bảo tàng được xây dựng đưa vào hoạt động rất quy mô. Đặc biệt khi tôi có cháu nội, cháu ngoại bắt đầu lớn, tôi đưa các cháu đến đây để tìm hiểu về cội nguồn, về những phong tục truyền thống của văn hoá dân tộc mình. Tôi rất hãnh diện và tự hào khi ở Bảo tàng có không gian lễ cấp sắc, các nhạc cụ, dụng cụ truyền thống của người Dao rất tuyệt vời. Tôi tặng lại cho Bảo tàng bộ trang phục cưới do chính tay tôi học, thêu thùa, may và giữ gìn còn nguyên vẹn đến nay là bước vào năm thứ 35. Tin tưởng rằng, với chuyên môn, năng lực và những con người tâm huyết, Bảo tàng tỉnh sẽ giữ gìn, bảo tồn, phát huy tốt các hiện vật được các tổ chức, cá nhân hiến tặng”.

Ông Đoàn Đức Bình, trú tại tổ 9, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình lại hóm hỉnh kể về cuộc gặp gỡ với Phó Giám đốc Bảo tàng Yên Bái Lý Kim Khoa tại trại sáng tác văn học, nghệ thuật tổng hợp các chuyên ngành năm 2024 và được giới thiệu về công tác sưu tầm, vận động hiến tặng hiện vật của Bảo tàng tỉnh. Là người lính có ý thức sâu sắc trong công tác giáo dục truyền thống giữ nước cho muôn đời con cháu sau này, ông Bình đã trao lại những hiện vật giữ gìn từ thời chiến tranh gồm chiếc áo trấn thủ của chiến sỹ có tuổi đời trên 40 năm và những kỷ vật khác như kính của giặc Mỹ, hai chiếc đèn pin của quân đội ta và của nguỵ quyền Sài Gòn, pháo hiệu báo vị trí đi lạc của phi công Mỹ. Ông cảm nhận được ý nghĩa nhân văn của hành động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng và hứa sẽ tiếp tục tìm kiếm, trao tặng các hiện vật khác trong những năm tiếp theo.

Niềm vui của thầy giáo trẻ Lê Thanh Tùng khi hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng.

Trong thời tiết rét đậm của những ngày cận xuân mới Ất Tỵ 2025, Bảo tàng tỉnh được tiếp đón một vị khách đặc biệt - người thầy giáo trẻ Lê Thanh Tùng dạy giáo dục thể chất có niềm đam mê vô tận với văn hóa Thái. Dù không phải là người con của đồng bào dân tộc Thái, nhưng được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất của người Thái Mường Lò, tiếng nói, chữ viết cùng những phong tục tập quán, những lễ hội đặc sắc của người Thái thấm đẫm trong tâm hồn thầy giáo trẻ ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái để rồi với niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, sưu tầm, thầy giáo Tùng đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn giữ gìn văn hóa dân tộc tỉnh nhà. Mang đến hiến tặng cho Bảo tàng bộ trang phục tang lễ của con dâu được khâu tay hoàn toàn bằng vải tơ tằm kéo tay và vải bông có tuổi đời lên tới cả trăm năm, chiếc khăn mặt bằng vải thêu tơ và một sải vải dệt hoa văn bằng sợi tơ tằm. Thầy cười hiền thân thiện giới thiệu từng hiện vật: “Biết nguồn gốc bộ trang phục cổ rất quý giá, em sưu tầm gìn giữ rất cẩn thận, tơ thì rất bền, tuy nhiên thời tiết ẩm khiến vải hay mục mủn nên phải mang bọc vải và chạy bằng máy khâu vài chỗ vì đường khâu tay cũ không tải nổi. Em muốn hiến tặng lại Bảo tàng những đồ này vì sẽ được bảo quản tốt hơn, hơn nữa em muốn những đồ vật này sẽ được giới thiệu đông đảo đến du khách và các em học sinh về văn hóa, phong tục độc đáo, giàu bản sắc của một dân tộc tỉnh mình”. Những người nặng lòng giữ gìn, bảo tồn văn hóa như thầy giáo Tùng càng thấm thía được sự mất mát, mai một khi những bảo vật, cổ vật quý giá bị hỏng hay đem rao bán. Thầy giáo khoe, hiện thầy đã sưu tầm được hàng chục nhạc cụ truyền thống, hàng trăm bài hát, câu đố đồng dao và hơn 100 loại đồ dùng, sinh hoạt. Đi một vòng quanh khu trưng bày hiện vật của Bảo tàng, thầy giáo góp nhiều ý kiến và khẳng định chắc nịch: “Em sẽ về lập những danh sách đồ truyền thống của dân tộc Thái còn thiếu và sẽ gom góp tìm tặng tiếp cho Bảo tàng. Em muốn giới thiệu đủ và đúng chất về miền văn hóa Thái Mường Lò bản địa tại nơi đây”. Ấn tượng về chiều sâu kiến thức, sự hiểu biết và tấm lòng người thầy giáo trẻ, các cán bộ Bảo tàng tỉnh càng thêm ấm lòng khi mùa xuân mới chực chờ gõ cửa.

Trong những năm qua, Bảo tàng Yên Bái đã nhận được sự quan tâm đóng góp các kỷ vật kháng chiến từ các đồng chí lão thành cách mạng, các gia đình có công với đất nước, hiện vật có giá trị từ các cán bộ từng giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, từ chính quyền địa phương, các tổ chức, hay mỗi cá nhân công dân trong và ngoài tỉnh. Mỗi món hiện vật được nâng niu, gìn giữ hàng chục năm cho thấy sự quan trọng về tinh thần, thậm chí là vô giá, vậy mà mỗi tổ chức, cá nhân hiến tặng sẵn sàng trao lại cho bảo tàng, vì một niềm tin: Giá trị các hiện vật ấy sẽ được nhân lên theo thời gian.

Từ trước năm 1998, công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật đã được Bảo tàng Yên Bái thực hiện thông qua vận động, tuyên truyền, giải thích giá trị của hiện vật, ý nghĩa của việc hiến tặng tại các địa phương cán bộ, viên chức trực tiếp đến công tác. Phong trào hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Yên Bái đã diễn ra từ nhiều năm nay, ngày càng thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân trong lẫn ngoài tỉnh tham gia đóng góp và mang lại hiệu quả thiết thực. Tính từ năm 2020 đến nay, Bảo tàng Yên Bái đã tiếp nhận 328 hiện vật được hiến tặng.

Suốt thời gian qua, nhiều cuộc hiến tặng tài liệu, hiện vật đã góp phần đa dạng hóa các hoạt động trưng bày, đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng và du khách. Để phát huy giá trị các hiện vật được hiến tặng, Bảo tàng Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, không chỉ tại không gian trưng bày của Bảo tàng mà còn nhiều cuộc trưng bày chuyên đề tại các địa phương trong và ngoài tỉnh được đông đảo người dân, du khách và các em học sinh hưởng ứng, tham quan, phản hồi tích cực như: Các cuộc trưng bày chuyên đề "Yên Bái - Dấu son trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Ký ức thời hoa lửa” tại Bảo tàng tỉnh; “Lục Yên - Đất và người” tại huyện Lục Yên, “ Cộng đồng các dân tộc và tôn giáo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc” tại huyện Mù Cang Chải; “Kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Kỷ niệm 79 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái”  tại huyện Yên Bình; “Kỷ niệm 40 năm khánh thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại thị xã Nghĩa Lộ; “Ngày hội gia đình Việt Nam” tại Hải Phòng; Phối hợp với Bảo tàng Phú Thọ trưng bày văn hóa Đông Sơn tại khu di tích Đền Hùng;... Riêng năm 2024, Bảo tàng Yên Bái đón 50.902/36.000 lượt khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm (đạt 141,4%), trong đó khách Quốc tế đón 297/150 lượt (đạt 198 %); trưng bày 10 cuộc (đạt 142%); tổng số 199 lượt trường, 6.820 lượt học sinh đến tham quan, học tập tại Bảo tàng. Các cuộc triển lãm trưng bày có sự góp mặt của nhiều hiện vật được hiến tặng không chỉ giúp giới thiệu văn hóa, lịch sử của Yên Bái đến với công chúng, du khách mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ thêm trân quý những giá trị lịch sử, truyền thống của dân tộc.

Đại biểu, thầy cô và các em học sinh tìm hiểu hiện vật được trưng bày tại các cuộc triển lãm chuyên đề của Bảo tàng tỉnh.

Ông Lý Kim Khoa, Phó Giám đốc Bảo tàng Yên Bái cho biết: “Công tác nghiên cứu, sưu tầm, xác định khoa học, hiện vật là khâu quan trọng, có quan hệ mật thiết với các khâu khác trong hoạt động của bảo tàng. Với các hình thức sưu tầm hiện vật thông qua mua bán, công tác khai quật khảo cổ học thì công tác vận động hiến tặng từ các tổ chức, cá nhân cũng được Bảo tàng tỉnh quan tâm, chú trọng. Trong các năm qua, các cán bộ bảo tàng đã sưu tầm hàng trăm hiện vật bổ sung cho kho cơ sở, phục vụ công tác bảo tồn, lưu giữ và trưng bày giáo dục, phát huy giá trị.

Các hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng, đặc biệt các nhóm hiện vật thời kỳ tiền sơ sử, thời kỳ bao cấp, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hay về văn hoá dân tộc và ngành nghề với nhiều loại hình, chất liệu, niên đại khác nhau có giá trị rất cao đối với lịch sử, văn hoá địa phương”.

Dù rất nhiều lần chứng kiến khoảnh khắc những cá nhân hiến tặng hiện vật, nhưng chị Phạm Quỳnh Phượng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng vẫn không khỏi bồi hồi, phấn chấn trước mỗi hiện vật mới được giới thiệu. Chị khẳng định: “Sau khi tiếp nhận tư liệu, hiện vật, Bảo tàng cam kết thực hiện theo đúng quy trình, tiến hành thẩm định, bổ sung thông tin nhằm làm rõ nguồn gốc, giá trị lịch sử, văn hóa. Sau đó lập hồ sơ quản lý, bảo quản lâu dài và có phương án trưng bày các hiện vật được hiến tặng một cách khoa học, hợp lý. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị hiện vật, giới thiệu rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Xin gửi lời cảm ơn những tình cảm, sự hợp tác, đóng góp vô cùng quý báu của tổ chức, cá nhân đã trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Yên Bái và chúng tôi mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các tổ chức, cá nhân để những tài liệu, hiện vật có giá trị cùng những câu chuyện ý nghĩa về văn hóa, lịch sử của địa phương sẽ được chia sẻ và giới thiệu với công chúng trong thời gian sớm nhất”.

Ông Hoàng Tiến Long, Giám đốc Bảo tàng Yên Bái xúc động nhấn mạnh: “Bảo tàng Yên Bái các năm qua đều long trọng tổ chức các buổi Lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật do các tổ chức, cá nhân trao tặng. Đây là hoạt động của Bảo tàng nhằm tri ân và giới thiệu những tài liệu, hiện vật mới sưu tầm nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Những tài liệu, hiện vật được hiến tặng sẽ giúp làm dày dặn thêm kho tư liệu của Bảo tàng Yên Bái, phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm và quảng bá về văn hóa, di sản gắn với con người và mảnh đất Yên Bái, đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng và du khách, góp phần khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản trong mỗi người dân Yên Bái”.

Một mùa xuân mới nữa lại về, Bảo tàng tỉnh Yên Bái trân trọng cảm ơn tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân đã hiến tặng những hiện vật quý giá. Việc Bảo tàng tổ chức lễ tôn vinh các cá nhân, tập thể hiến tặng hiện vật cho bảo tàng không chỉ tri ân nghĩa cử cao đẹp, nâng niu quá khứ mà còn nâng cao trách nhiệm của cộng đồng. Hiến tặng hiện vật là hành động rất ý nghĩa nhằm lan tỏa phong trào hiến tặng hiện vật cho bảo tàng, qua đó, kêu gọi cộng đồng chung tay, góp sức vào sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc. Trong thời gian tới, Bảo tàng Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, kêu gọi hiến tặng hiện vật với nhiều cách làm, cách tiếp cận sáng tạo để đưa những câu chuyện lịch sử, giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng./.

Thanh Hoa - Phòng Trưng bày - Tuyên truyền