22/12/2024 5:20:00 CH
347: view
BTYB - Trong những ngày này, cùng với cả nước, Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái cũng đang hòa cùng không khí hào hùng hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Trong số rất nhiều những hình ảnh, tư liệu lịch sử về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, có một hiện vật để lại nhiều ấn tượng, gợi nhớ về lịch sử hào hùng của không quân Nhân dân Việt Nam cũng như quân dân tỉnh Yên Bái trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là chiếc máy bay MIG-21 mang số hiệu 5299 được trưng bày tại Khu trưng bày ngoài trời Bảo tàng tỉnh Yên Bái.
Học sinh trường THPT Nguyễn Huệ thành phố Yên Bái nghe thuyết minh viên giới thiệu về máy bay MIG-21 mang số hiệu 5299 trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.
Máy bay MIG-21 - Một biểu tượng của sức mạnh không quân nhân dân Việt Nam, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. MIG-21 lắp động cơ phản lực P11-300, do Liên xô (cũ) sản xuất năm 1959, trang bị cho không quân Nhân dân Việt Nam năm 1965 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhanh chóng trở thành một trong những loại máy bay tiêm kích chủ lực của lực lượng không quân Việt Nam. Với khả năng bay nhanh và linh hoạt, MIG-21 đã có những đóng góp quan trọng trong nhiều trận đánh lớn, bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Máy bay MIG-21 mang số hiệu 5299 được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Yên Bái không chỉ là một hiện vật lịch sử gợi nhớ về những năm tháng kháng chiến gian khổ, hào hùng của Không quân Việt Nam mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của Nhân dân Việt Nam.
Chị Mai Thị Thuỳ Hương - Phó trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền, thuyết minh viên Bảo tàng Yên Bái cho biết: “Máy bay MIG-21 mang số hiệu 5299 được Sân bay Yên Bái bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Yên Bái để trưng bày tại không gian ngoài trời nhằm giới thiệu về lực lượng phòng không - không quân. Chiếc máy bay này cùng những chiếc máy bay MIG-21 khác trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có nhiệm vụ bảo vệ vùng đất vùng trời miền Bắc của Tổ quốc”.
Sân bay Yên Bái thuộc Trung đoàn 921 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, là một trong ba sân bay quân sự chiến lược của Miền Bắc được xây dựng từ đầu những năm 1960. Năm 1972, tại đây các phi công của quân đội ta đã xuất kích chiến đấu, đánh thắng nhiều trận không kích, phối hợp với bộ đội chủ lực quân và dân tỉnh Yên Bái bắn rơi 115 máy bay Mỹ. Trong đó có chiếc máy bay thứ 800 ở miền Bắc, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.
Chiếc máy bay MIG-21 Bisson cấu tạo bằng kim loại vira là chính, được thiết kế như một chiếc đàn balanca của dân tộc Nga. Thông số chiều dài 15,76m, sải cánh 7,16m, chiều cao nhất 4,12m. Một thùng phụ 490 lít, 2 thùng phóng YB-16, 2 bệ phóng APU-13MT, 4 bệ tỳ, 2 tên lửa P-13M cấp 5. Tốc độ đạt lớn nhất 2.230km/h, trọng lượng 5.846kg, tầm bay 1.470km, mang 2.880 lít nhiên liệu. Nó có khả năng đốt nhiên liệu phụ trội tăng thêm 3 phút, tăng lực đẩy từ 7.100 kgf lên 9.900 kgf, tăng tốc từ 600km/h lên 1.100km/h trong 18h. Hỏa lực cho pháo 32mm 2 nòng và 4 giá treo vũ khí, mang được 2 đạn không đối không K-13 hoặc 4 đạn R-60. Đây là chiếc máy bay tiêm kích duy nhất một người lái. Khi làm nhiệm vụ chiến đấu sẽ bắn tên lửa, bắn pháo. Còn khi làm nhiệm vụ cường kích có thể mang trong mình khoảng một tấn bom tham gia những trận chiến trên không của Không quân nhân dân Việt Nam chiến đấu với không quân Mỹ trong giai đoạn Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc.
Máy bay MIG-21 gắn liền với cái tên anh hùng Phạm Tuân đã đi vào lịch sử khi ông bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn. Máy bay B-52 với chiều dài thân máy bay 50m, cao 12,4m và sải cánh rộng tới 56,4m, trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 200 tấn, trong đó có 40 tấn vũ khí. Đây là dòng máy bay hội tụ tinh hoa và đắt đỏ bậc nhất của không quân Mỹ thời điểm đó. Dù sở hữu nhiều công nghệ hiện đại và phi đội hộ tống đông đảo, nhưng pháo đài bay B-52 vẫn gẫy cánh trên bầu trời Hà Nội trước tinh thần và cách đánh sáng tạo của quân và dân ta trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Khoảng 17h ngày 27/12/1972, phi công Phạm Tuân điều khiển máy bay tiêm kích MIG-21 mang số hiệu 5121 hạ cánh xuống sân bay Yên Bái. Đến khoảng hơn 21h cùng ngày, ông được lệnh xuất kích từ sân bay này, khi bay qua tầng mây, ông đã nhìn thấy rất nhiều máy bay yểm trợ cho B-52 là F-4, sau khi vọt qua đội F-4 hộ tống, ông tiếp cận hai chiếc B-52, tắt radar và các thiết bị liên lạc để B-52 không phát hiện ra đang bị áp sát. Ông bắn rơi một chiếc trên vùng trời phía tây Hà Nội bằng 2 quả tên lửa không đối không NHK-8-9-1-2, rồi trở về hạ cánh xuống sân bay Yên Bái. Trong 12 ngày đêm, từ tối 18/12/1972 đến ngày 29/12/1972, địch đã xuất kích 663 lần/chiếc máy bay chiến lược B-52 và hơn 3.800 lần/chiếc máy bay chiến thuật các loại, ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52 và 5 máy bay F-11. Sau chiến công xuất sắc hạ B-52 trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, phi công Phạm Tuân được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tiếp đó khi từ vũ trụ trở về, ông được Đảng và Nhà nước ta tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Hồ Chí Minh. Cũng năm đó (1980), ông vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm theo Huân chương Lê-nin khi mới 33 tuổi. Sau 1/2 thế kỷ phục vụ, máy bay MIG-21 đã nhường chỗ cho các chiến đấu cơ hiện đại hơn.
Cô trò trường Mầm non Bình Minh, thành phố Yên Bái hào hứng bên máy bay MIG-21.
Máy bay MIG-21 mang số hiệu 5299 đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái tuy không phải là chiếc máy bay do đích thân anh hùng Phạm Tuân lái bắn rơi máy bay B-52 đầu tiên nhưng vẫn là hiện vật tiêu biểu minh chứng cho một phần chiến công hào hùng của không quân Nhân dân Việt Nam, của quân và dân tỉnh Yên Bái bảo vệ vùng trời miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhắc nhớ chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" như một mốc son chói lọi để các cán bộ lão thành, cựu chiến binh ôn lại kỷ niệm, để những du khách đến tham quan thêm cảm phục, để các đoàn học sinh, sinh viên đến học tập, được giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Lịch sử sẽ sống mãi trong ký ức, trong trái tim mỗi thế hệ người dân Việt Nam./.
Thanh Hoa - Phòng Trưng bày - Tuyên truyền