Chuyện ít biết về 7 chiến sĩ Việt Nam tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại được Nga vinh danh

07/05/2025 9:37:00 SA

420: view

BTYB - Ít ai biết rằng, có 7 chiến sĩ Việt Nam đã có mặt trong cuộc duyệt binh lịch sử ngày 7/11/1941 trên Quảng trường Điện Kremlin. Họ tiến thẳng ra mặt trận bảo vệ phòng tuyến Moskva và cùng Hồng quân Xô viết đánh đuổi phát xít Đức cho đến ngày chiến thắng lịch sử 9/5/1945.

 

Các chiến sĩ Hồng quân duyệt binh qua Quảng trường Đỏ, ngày 7-11-1941.

Một chi tiết thú vị xuyên suốt câu chuyện cảm động sau đây là trong 7 chiến sĩ Việt Nam được hai nhà nước Liên Xô (cũ) và Việt Nam vinh danh thì có 4 người quê ở Làng Sen và Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Một người quê Hà Tĩnh, một người quê Thanh Hoá và một người quê tỉnh Hà Sơn Bình (cũ). Tất cả họ đều là học trò "bí mật" của Bác Hồ.

Đúng 8 giờ sáng 7-11-1941, từ các loa phát thanh vang lên giọng đọc trang trọng của phát thanh viên: “Toàn bộ các đài phát thanh của Liên Xô đang truyền tin. Đài Phát thanh Trung ương Moscow bắt đầu đưa tin từ Quảng trường Đỏ về cuộc duyệt binh của các đơn vị Hồng quân chào mừng kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại”.

Cuộc duyệt binh bắt đầu bằng màn trình diễn của các học viên Trường Pháo binh. Các chiến sĩ pháo binh và bộ binh, các chiến sĩ cao xạ và thủy thủ mang theo những lá cờ lớn đi dọc quảng trường. Tiếp đến là đội kỵ mã, đội xe ngựa lắp súng máy, xe tăng T-34 và KV. Cuộc duyệt binh kéo dài một giờ với sự tham gia của 28.467 người, trong đó có 69 tiểu đoàn, 6 đại đội kỵ binh được trang bị kiếm, 1 đại đội kỵ mã súng máy, 5 tiểu đoàn bộ binh cơ giới súng máy, 20 tiểu đoàn pháo binh, xe tăng, dân quân. Cuộc duyệt binh đã sử dụng 16 xe ngựa, 296 súng máy, 18 súng phóng lựu, 12 súng máy cao xạ, 140 pháo và 160 xe tăng. Sau cuộc duyệt binh, nhiều đơn vị xe tăng, xe cơ giới đã được chuyển ngay ra mặt trận phía tây của Moscow và được biên chế vào các sư đoàn.

Ngày 7-11-1941, lần đầu tiên Stalin có bài phát biểu tại cuộc duyệt binh. Tổng Tư lệnh tối cao của lực lượng vũ trang Xô viết dặn dò và cảm ơn các chiến sĩ - người bảo vệ. Ông đã so sánh năm 1941 với những năm khó khăn của cuộc nội chiến và nói một cách chắc chắn về chiến thắng sớm trước kẻ xâm lược.

 

Ngay sau khi rời Quảng trường Đỏ, các đơn vị đi thẳng ra chiến trường khi phát xít Đức đã áp sát Thủ đô Moscow.

Cuộc duyệt binh huyền thoại của các đơn vị quân đội Hồng quân trên Quảng trường Đỏ mãi mãi đi vào sử thi của lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của nước Nga, của tinh thần anh dũng không thể khuất phục và sự bất khả chiến bại của các chiến sĩ dân quân tự vệ.

Từ bài báo vang tiếng ở Liên Xô

Nhân kỷ niệm chiến thắng của nhân dân Liên xô chống chủ nghĩa phát xít Đức 1941 - 1945, Đài Phát thanh Moskva - Ban Tiếng Việt phát động cuộc thi tìm hiểu về Hồng quân Xô viết… Ông Phan Xuân Thành - cán bộ Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, hội viên Chi hội Hữu nghị Việt - Xô đã gửi bài: “Vương Thúc Tình - Chiến sĩ cách mạng Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ thành phố Matxcova - Mùa Đông 1941”. Bài dự thi này làm rung động Đài Phát thanh Moskva và các báo chí Liên xô lúc bấy giờ.

Ngay sau đó, nhờ sự vào cuộc của Đài Phát thanh Moskva, Hội Hữu nghị Liên Xô - Việt Nam, các nhà sử học Nga và Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã tìm thêm tên tuổi của 4 chiến sĩ quốc tế Việt Nam tham gia chiến đấu trên tuyến phòng thủ Thủ đô Moskva mùa Đông năm 1941.

Trong số 5 người được tặng huân chương, kỷ niệm chương và truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công, có ông Lý Phú San, tên thật là Lê Phan Chân, quê ở Hà Sơn Bình (nay thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Đông, thành phố Hà Nội), đã phục vụ trong một quân y viện của một đơn vị Hồng quân Liên Xô vùng ngoại ô Moskva. Năm 1941, khi quân phát xít tấn công Liên Xô, Lý Phú San nộp đơn xin nhập ngũ nhưng không đủ sức khỏe nên được giao chăm sóc thương bệnh binh trong quân y viện, ông đã không chỉ một lần hiến máu cứu người. Đêm đêm, Lý Phú San cùng đồng đội luân phiên trực ở trạm phòng không, cảnh báo lúc máy địch xuất hiện, dập tắt đám cháy do bom phát xít gây ra. Năm 1945, ông được Chính phủ Liên Xô tặng thưởng huy chương “Vì lao động quên mình trong thời kì chiến tranh chống phát xít Đức”. Vào đầu thập niên 1950, Lý Phú San làm Giám đốc sân vận động ở Sverdlovsk, nay là Ekaterinburg. Năm 1956, ông trở về Việt Nam, làm việc ở Đài phát thanh Mễ Trì (Hà Nội), Đại sứ quán Liên Xô rồi qua đời năm 1980, thọ 80 tuổi.


Ông Lý Phú San và các đồng nghiệp tại nhà máy ở Sverdlovsk.

Ngày 12/12/1986, Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô đã có quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng Nhất, Kỷ niệm chương chiến thắng phát xít Đức cho 5 chiến sỹ Việt Nam: Vương Thúc Tình, Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tạo và Lý Phú San “Vì lòng dũng cảm và gan dạ trong các cuộc chiến đấu chống bọn phát xít Đức xâm lược trên tuyến phòng thủ thành phố Matxcơva”.

Sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô về việc tặng thưởng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng Nhất cho các chiến sĩ quốc tế Việt Nam (bên phải là bản dịch sang tiếng Việt).

4 người còn lại thuộc Trung đoàn quốc tế OMCBON, quê ở Nghệ An, trong đó có 3 người được tổ chức truy điệu, tặng "Bằng Tổ quốc ghi công", "Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng Nhất" và Kỷ niệm chương vào ngày 27/7/1987 tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Đó là các ông: Lý Nam Thanh, tên thật là Nguyễn Sinh Thản, sinh năm 1908 tại Làng Sen; Lý Thúc Chất, tên thật là Vương Thúc Thoại, sinh năm 1910 tại Làng Sen; Lý Anh Tạo, tên thật là Hoàng Thế Tự, sinh năm 1910 tại làng Hoàng Trù, tất cả đều ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Những tấm huân, huy chương này đã được chuyển cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lưu giữ.

Riêng cụ Vương Thúc Tình là nhân vật được báo chí Liên Xô, Đài tiếng nói Moscow nói đến rất nhiều trong năm 1985 - 1986 nhưng chưa được nhận các Huân chương, Huy chương, Bằng Tổ quốc ghi công. Theo ông Hoàng Đức Lạc, nguyên Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt – Xô tại Nghệ An, sở dĩ có sự sơ xuất đó là vì "báo, đài nước bạn dịch nhầm tên cụ Vương Thúc Tình thành ra Vương Thúc Bình nên các cơ quan chức năng lúc đó chưa xác định được gia đình của cụ "Vương Thúc Bình". 

 

Ông Hoàng Đức Lạc (72 tuổi, nguyên Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Xô tại Nghệ An) bên tập hồ sơ nghiên cứu về các chiến sĩ người Việt Nam tham gia Hồng quân Liên Xô. 

Cuộc tìm kiếm các chiến sĩ tham gia Hồng quân Liên Xô sau hơn 75 năm

Nhiều năm sau, từ 1988 - 1993, các cơ quan chức năng như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban nghiên cứu Lịch sử - Địa lý, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hội hữu nghị Việt Xô… tiếp tục xác minh cụ Vương Thúc Tình là ai, hiện ở đâu?.

Hội thảo khoa học “Những học trò của Bác Hồ đã sống, học tập và chiến đấu tại Liên Xô trước năm 1945”. Người đứng là ông Phan Xuân Thành - Phó Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Qua nhiều cuộc tọa đàm, trao đổi công phu, dựa trên các cứ liệu lịch sử, khoa học và các nhân chứng lịch sử, cuối cùng các cơ quan chức năng xác định được cụ Vương Thúc Tình (còn có bí danh Vương Sĩ, tên thật là Vương Thúc Liễn, sinh năm 1903) trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Cha ông là Vương Thúc Độ, mẹ là Hoàng Thị Đàm. Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ với bà Hoàng Thị Đàm là chị em con bác, con chú.

Cụ Vương Thúc Liễn xuất dương sang Thái Lan cùng với Lê Hồng Phong, Lý Thúc Chất, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo… Năm 1925, ông sang Trung Quốc được Bác Hồ đặt tên là Vương Sĩ và gửi vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Ông cũng được Bác Hồ gửi sang Liên Xô đào tạo và trở thành người chiến sỹ trong Trung đoàn quốc tế bộ binh cơ giới đặc biệt (OMCBON) trên tuyến phòng thủ thành phố Moskva.

Sau khi quân Đức bị đẩy lùi, Hồng quân Liên Xô giành lại thế chủ động tiến công địch trên khắp các mặt trận và bắt đầu mở những chiến dịch lớn phản công bọn phát xít. Đầu Xuân năm 1943, giữa lúc Hồng quân đang tiến mạnh về phía Tây thì có lệnh của lãnh đạo Stalin: “Điều tất cả các cán bộ người phương Đông kể cả những người quê châu Á quay trở lại chuẩn bị chống Nhật ở mặt trận phía Đông”. Cụ Vương Thúc Liễn đã trở về Việt Nam theo tinh thần trên, nhưng không may khi đi qua Nam Kinh (Trung Quốc) bị lực lượng đối địch bắt và hy sinh.

Từ những cứ liệu lịch sử và khoa học, ngày 15/2/1993, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An giao cho Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Xô Nghệ An tổ chức trọng thể Lễ trao tặng Huân chương "Chiến tranh vệ quốc" hạng Nhất, Kỷ niệm chương "Chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức", Bằng "Tổ quốc ghi công" cho gia tộc cụ Vương Thúc Liễn vào ngày 9/5/1993. Nhưng rất tiếc, để chuẩn bị cho lễ trao tặng, các cơ quan có trách nhiệm chưa tìm thấy các kỷ vật gắn với chặng đường hoạt động cách mạng của cụ Liễn ở đâu, do ai lưu giữ, vì thế, lễ trao tặng này chưa thực hiện được.

Trong khi tìm kiếm các tư liệu về nhân vật Vương Thúc Tình, tổ nghiên cứu tìm kiếm đã phát hiện tình tiết mới. Theo hồi ký của ông Ivan Ivarốp (người Bungari) - Chỉ huy trưởng Trung đoàn quốc tế OMCBON: “Trong số những người chống phát xít quê ở Đức, Tây Ban Nha, Bungari... biên chế vào các bộ phận của Trung đoàn còn có 6 người Việt Nam”.

Trong các cuộc Hội thảo khoa học: “Những học trò của Bác Hồ đã sống, chiến đấu, học tập ở Liên Xô trước năm 1945" ngày 19/5/1988, Hội Hữu nghị Việt - Xô Nghệ Tĩnh tổ chức đã nêu ra 2 cái tên mới: Đó là Lý Văn Minh và Lý Chí Thống. Đây là 2 người cùng trong nhóm 8 thanh, thiếu niên do Bác Hồ tổ chức, giáo dục để chuẩn bị gửi sang Liên Xô theo Thư gửi của Ủy ban thiếu niên, nhi đồng Liên Xô tháng 7 năm 1926.

Tên tuổi 8 người này được cụ Vương Thúc Oánh - Lão thành cách mạng xác nhận và cung cấp tư liệu cho Ban Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An khi cụ còn sống (Cụ Oánh mất năm 1962). Tên tuổi 8 người này đúng như tư liệu của nhà sử học Nga A. Côbêlev viết trong tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh” xuất bản năm 1980 tại Nga.

Theo hồi ký của Thiếu tướng Lê Thiết Hùng: “Năm 1938, Bác Hồ từ Liên Xô trở về Trung Quốc bắt liên lạc với họ trong các đơn vị giải phóng quân Trung Quốc và gửi họ sang Liên Xô đào tạo. Khi phát xít Đức tấn công Liên Xô họ đã tham gia chiến đấu bảo vệ Matxcova”.

Bởi vậy, chúng ta có cơ sở để kết luận thêm tên tuổi của 2 chiến sỹ trong Trung đoàn quốc tế do Ivan Ivarốp chỉ huy đó là:

Ông Lý Văn Minh, tên thật là Đinh Chương Long, sinh năm 1912, quê xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cha là Đinh Chương Dương(1885 – 1972) - một nhân sĩ trí thức cách mạng nổi tiếng. Còn ông Lý Chí Thống, tên thật là Ngô Trí Thông, sinh năm 1910, quê ở xã Đại Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông là Ngô Trí Tuấn, một Việt kiều yêu nước. Gia đình ông cùng sang Bản Mạy, tỉnh Thakhon Pha nom (Thái Lan) với gia đình ông Lê Hữu Đạt (Bố của anh hùng liệt sĩ Lý Tử Trọng).

Như vậy, Việt Nam có đến 7 chiến sỹ cách mạng tham gia cuộc chiến tranh vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức trong những năm 1941 - 1945, đó là: Vương Thúc Tình, Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tạo, Lý Phú San, Lý Văn Minh và Lý Chí Thống.

Nga vinh danh các chiến sĩ Việt Nam tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại

Thời điểm kỷ niệm 75 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1945 - 2020), Bộ Quốc phòng Nga đã mời Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh và Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Nga tới thăm Nhà thờ chính của Lực lượng Vũ trang Nga và tổ hợp bảo tàng “Con đường tường niệm” sắp được khánh thành tại Công viên yêu nước ở Kubinka, ngoại ô Moscow.

Nhà thờ được xây dựng với chủ đề chính là kỷ niệm 75 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Tính đến đỉnh cây thánh giá, nhà thờ hùng vĩ này cao 95m. Đường kính mái vòm chính của nhà thờ là 19,45m tượng trưng cho năm kết thúc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1945). Chiều cao của tháp chuông là 75m vì năm 2020 đánh dấu 75 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II. Chiều cao mái vòm nhỏ là 14,18m tượng trưng cho 1.418 ngày đêm của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. “Con đường tường niệm” cũng gồm 1.418 bước đi đến chiến thắng và là quần thể bảo tàng ấn tượng, ghi lại lịch sử từng ngày, đêm của cuộc chiến tranh.

Cũng nhân dịp này, 7 chiến sĩ Việt Nam từng tham gia Hồng quân Liên Xô chiến đấu chống phát xít Đức đã được trang trọng đưa vào cơ sở dữ liệu của tổ hợp bảo tàng “Con đường tưởng niệm” để khách tham quan có thể truy cập, tra cứu.

Hình ảnh ông Lý Phú San được vinh danh trong bảo tàng "Con đường tưởng niệm" tại Liên bang Nga.

 

Ông Đinh Trường Long (bí danh Lý Văn Minh) sinh năm 1910 tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Mùa Đông năm 1941, ông đã tham gia trận chiến bảo vệ Moskva trong hàng ngũ Trung đoàn quốc tế thuộc Lữ đoàn bộ binh cơ giới đặc biệt. Ông hy sinh trong các trận tấn công của Hồng quân năm 1944.

Ngày 9/5/2025, nước Nga sẽ long trọng tổ chức Lễ duyệt binh chính thức kỷ niệm Ngày Chiến thắng, đánh dấu 80 năm chiến thắng vang dội của Hồng quân Liên Xô và các nước Đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít, tạo tiền đề quan trọng chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ II. Buổi lễ sẽ có sự góp mặt của nguyên thủ và lãnh đạo các nước cùng đông đảo chính trị gia quốc tế cùng các quân đoàn từ nhiều nước tham gia lễ duyệt binh.

Năm 2025 cũng là năm đầu tiên Việt Nam cử lực lượng quân sự tham dự Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm ngày trọng đại này tại Matxcơva - biểu tượng cho tình hữu nghị sâu sắc. 86 quân nhân là những cán bộ, học viên, quân nhân chuyên nghiệp tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, sức khỏe và thể hình thuộc Trường Sĩ quan Lục quân 1 và một số cơ quan, đơn vị, đại diện cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945 - 9/5/2025) tại Liên bang Nga.

 

Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham quan bảo tàng Con đường ký ức ở Moscow Liên Bang Nga.

 

Đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam diễu hành ở vị trí thứ 8 trong khối lực lượng quốc tế, trước các đoàn Trung Quốc, Lào và Myanmar.

Cùng xuất hiện với 19 đoàn quân đội khác, hình ảnh những bước chân đều tăm tắp và lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa lòng Moscow thực sự khiến tim người Việt nở hoa tự hào. Những bước chân mạnh mẽ ấy không chỉ là của một đoàn quân - mà là hình ảnh sống động của một dân tộc kiêu hãnh, luôn hiện diện đúng lúc, đúng nơi, với tư thế ngẩng cao đầu.

 

Hàng trăm kiều bào, du học sinh Việt Nam tại Nga có mặt trên khu vực đường dẫn vào Quảng trường Đỏ để chờ đón đoàn quân nhân Việt Nam đến tham gia sơ duyệt. Ai cũng rạng rỡ, tay cầm cờ, miệng hô “Việt Nam!” vang vọng cả một góc quảng trường.

Đây là dịp để chúng ta tri ân công lao, đóng góp và sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ cách mạng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô và lực lượng đồng minh chống phát xít, trong đó có chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Đồng thời, khẳng định đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga./.

Ban biên tập

-->