114 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Hành trình của ánh sáng

05/06/2025 8:30:00 SA

301: view

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - xưa kia là bến Nhà Rồng. 114 năm trước (ngày 5/6/1911), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, 21 tuổi, lấy tên là Văn Ba, đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville, mở đầu hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước với ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến. Hành trình ấy đã mở ra những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

“Người đi tìm hình của nước”

Những năm qua, đã có hàng triệu lượt người Việt Nam và du khách quốc tế về thăm bến Nhà Rồng, ai nấy mang một niềm cảm phục về tinh thần yêu nước của chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành. Hơn nữa, tình yêu Tổ quốc được người thanh niên ấy đúc kết và tìm ra chân lý sáng ngời là con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong Bảo tàng Hồ Chí Minh, mô hình con tàu Amiral Latouche Tréville - một con tàu lớn của hãng Sácgiơ Rêuyni (Charge Réuni), vừa chở khách, vừa chở hàng đã mang trên nó một con người vĩ đại, với một cái tên chân chất: Văn Ba. Những đầu bếp và đoàn thủy thủ người Pháp không hay rằng đó là một chàng trai có trái tim yêu nước vĩ đại, một tâm hồn lớn được nuôi dưỡng trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá phương Đông, nhưng không có sự chối bỏ, hay mâu thuẫn với văn hoá phương Tây.

Trong bối cảnh đất nước lầm than, nô lệ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành được chứng kiến nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, nhưng đều thất bại. Điển hình như Phong trào Đông Du muốn dựa vào người Nhật; Phong trào Duy Tân trông chờ vào thiện chí của người Pháp; Khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám mang nặng cốt cách phong kiến…

Năm 1910, trong thời gian người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành làm thầy giáo ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), nhờ được đọc Tân thư trong gia đình cụ Nguyễn Thông, tiếp cận với các thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái do các triết gia và văn hào Pháp khởi xướng và đọc một số tờ báo từ Pháp phát hành sang Việt Nam, nên thầy giáo Nguyễn Tất Thành muốn sang “mẫu quốc” xem nước Pháp thế nào.

Cuộc hành trình đi tìm chân lý của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ với gần 30 quốc gia. Người đến với nhân loại cần lao ở cả phương Đông và phương Tây, cả các nước tư bản và thuộc địa đang tranh đấu và thấu hiểu hơn bản chất của chủ nghĩa tư bản, đế quốc, nỗi thống khổ và số phận của dân tộc thuộc địa.

Với một hoài bão cứu nước, cứu dân mãnh liệt, bản lĩnh và sự mẫn cảm chính trị ở tuổi 21 của một tầm nhìn xa, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu." Ý thức rõ ràng ngay từ đầu về mục đích ra nước ngoài của mình đã giúp Người có cách đi và cách làm đặc biệt.

Người đã đi đến nước Pháp, nước Mỹ, nước Anh và rất nhiều thuộc địa của chủ nghĩa thực dân ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ; hòa mình vào cuộc sống của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa ra sức học tập, nâng cao vốn hiểu biết và tìm mọi cách để hoạt động cách mạng.

Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp vì nhận thấy “đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi và là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái."

Tháng 6/1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi tới Hội nghị Versailles (Pháp) bản Yêu sách của Nhân dân An Nam, gồm 8 điểm đề nghị Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, bình đẳng, dân chủ tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Yêu sách là tuyên bố chính trị đầu tiên của nhân dân Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, đã thể hiện tấm lòng yêu nước thiết tha, khát vọng của Nguyễn Ái Quốc và nhân dân các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ, quyền tự quyết của các dân tộc, khơi nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

Mùa Hè năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tiếp cận bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité). Qua đó đã giải đáp cho Người con đường giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào. "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đến khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!". Kết quả tất yếu của sự chuyển biến về tư duy, nhận thức đưa Người đến một quyết định là bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp (tháng 12/1920). Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa cộng sản, “từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa."

 

Từ ngày 25-30/12/1920, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc ủng hộ Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Sau khi tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, Người ra sức kiến tạo những nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, thực hiện được khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Từ năm 1921 đến 1930, Người ra sức truyền bá Chủ nghĩa Marx-Lenin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh," đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21/6/1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng.

Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ thông qua việc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925) và tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô...

Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Người, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước đúng đắn của Việt Nam đã cơ bản được xác định.

Người về mang tới những mùa Xuân

Những năm sau đó, Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và quyết tâm đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Người trở về Tổ quốc và mang theo một tài sản vô cùng quý giá, đó là con đường cách mạng, con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Người trực tiếp lãnh đạo cách mạng, chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.

Tháng 8/1945, với tư duy chính trị nhạy cảm và sắc bén, dự báo chính xác, phân tích kịp thời và thấu đáo tình hình trong nước và quốc tế, nhận rõ thời cơ cách mạng đã chín muồi, Người nêu quyết tâm "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc," "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta."

 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ hơn 80 năm của chế độ thực dân, xóa bỏ chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.

Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời gian đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác - giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; thực hiện thành công công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Từ một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng với thế giới, giữ vững độc lập, chủ quyền và phát triển bền vững.

Bến cảng Nhà Rồng - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Bởi gắn với sự kiện khởi đầu cho hành trình tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nên bến Nhà Rồng trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng - biểu tượng của TP. Hồ Chí Minh. Vẫn bên bờ sông Sài Gòn thơ mộng, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã bao năm hiện hữu giữa lòng người với khu nhà trưng bày, tượng đài người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành nhìn ra bến cảng, đài phun nước, khuôn viên cây xanh...

Du khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh dưới chân tượng đài người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Bến cảng Nhà Rồng được người Pháp xây dựng từ năm 1864, đến nay đã qua 161 năm, trải bao biến cố. Cũng tại Bến cảng này còn chứng kiến một sự kiện trọng đại, ngày 13/5/1975, chiếc tàu biển Sông Hương trọng tải 10.000 tấn cập bến an toàn, đánh dấu sự thống nhất đường biển Bắc - Nam. Đến năm 1982, Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được thành lập. Để xứng tầm, đồng thời đáp ứng tâm nguyện của nhân dân, cuối năm 1995, Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Hồ Chí Minh có diện tích hơn 1.500m2, với 1 tầng trệt, 2 tầng lầu và 9 phòng trưng bày, trong đó có 6 phòng lưu trữ các hiện vật và tư liệu giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các gian trưng bày được sắp xếp theo 5 chủ đề: Thời thơ ấu và thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những hoạt động đầu tiên trong sự nghiệp cách mạng của Người (1890-1920); Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo đường lối của V.I Lênin và sáng lập chính đảng đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam (1920-1930); Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Tháng 8 thành công và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1930-1954); Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chỉ đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1969); Nhân dân cả nước thực hiện theo di chúc của Người hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước giàu mạnh (1969 đến nay).

Kỷ niệm 114 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, một lần nữa khẳng định ngày 5/6/1911 - ngày Người rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước là sự kiện đặc biệt, có tính chất quyết định đối với tiến trình lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20 và cả hiện tại lẫn tương lai./.

 

Ban biên tập

-->